Cần Gì Khi Làm Việc Không Đúng Chuyên Môn?

Theo thống kê hiện nay, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành chiếm khoảng 60% cả nước. Tỷ lệ sinh viên làm đúng chuyên ngành chỉ khoảng 40%…Nhìn vào tỷ lệ đó, với thời buổi kinh tế canh tranh khốc liệt như hiện nay thì việc cuộc chạy đua tìm việc cũng không hề dễ dàng. Cho nên, việc bạn thử sức ở một lĩnh vực khác ngoài chuyên môn là cơ hội và thách thức lớn cho những ai đang tìm việc. Thông tin chia sẻ dưới đây sẽ là câu trả lời cho câu hỏi làm việc không đúng chuyên môn, bạn cần những gì?

 

Đầu tư vào kỹ năng đã có

Khi bạn quyết định xin một việc ngoài chuyên ngành học, bạn hãy đầu tư hết sức vào kỹ năng và kinh nghiệm bản thân để viết CV thật xuất sắc. Đừng bỏ qua các công việc cũ và nghĩ rằng những điều đó không hề liên quan đến công việc mới đang tìm. Bạn hãy biết tận dụng những kỹ năng, mối quan hệ và khả năng tiềm ẩn của mình ứng dụng vào công việc khởi đầu này.

Bỏ qua cái tôi quá lớn

Phải chấp nhận rằng bạn đang tìm công việc tay ngang. Dù bạn có học giỏi và có nhiều tấm bằng loại khá thì cũng tạm gác niềm kiêu hãnh đó vào một góc. Bạn đương đầu dấn thân vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Tất nhiên, bạn còn non nớt kinh nghiệm nhưng theo thời gian sự tích lũy sẽ giúp bạn trở thành “lão làng”. Đừng vội đặt tham vọng mà hãy chấp nhận chức vụ thấp hơn và mong đợi để rèn luyện kỹ năng chuyên môn theo từng ngày.

Chăm chút cho thư xin việc

Nhà tuyển dụng rất quan tâm đến CV của bạn. Làm tốt khâu thể hiện bản thân bằng cách ghi rõ tất cả kinh nghiệm và kỹ năng trong CV. Không bằng cách này thì cách khác, hãy chứng tỏ bạn rất quan tâm và tìm hiểu kỹ về nhiều thông tin ở công ty mới. Tham khảo nhiều mẫu CV trên trang web uy tín hoặc bạn bè để hoàn thiện CV cá nhân thật ấn tượng. Nếu bạn đã chuẩn bị sẵn CV để xin việc, thì đừng vội gửi ngay mà hãy chỉnh sửa chi tiết phù hợp với chức vụ mong muốn. Ví dụ: bạn xin làm lĩnh vực Marketing thì hãy đặt vấn đề về các mối quan hệ rộng rãi của bạn trong cùng ngành.

Sẵn sàng cho buổi phỏng vấn

Những gì bạn chuẩn bị đều vì mục đích nhận được cuộc hẹn phỏng vấn. Đây là cơ hội để bạn “trình diễn” và không nên xảy ra sơ suất trong cuộc gặp gỡ quyết định này. Quá trình phỏng vấn, bạn thẳng thắn và chủ động để cuộc phỏng vấn được dẫn dắt vào những thế mạnh bạn đang sở hữu. Bởi lẽ ngay từ đầu, không ai muốn làm việc trái ngành nghề như vậy. Cũng đừng vì thế mà thu hẹp sự lựa chọn của bản thân trong cuộc sống và môi trường lao động. Nếu với một nghề hoàn toàn mới mẻ, thì thử một lần tự tin để xem sức mình đến đâu.

Viết một bình luận